Mục lục bài viết
Phố thị vẫn là miền đất hứa đối với nhiều người. Thu nhập tốt, mức sống cao, nhiều tiện ích, có cơ hội phát triển tốt cho con cái… chính là lý do người dân “bỏ quê lên phố”. Thế nhưng, người ngày càng đông, đất ngày càng chật khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt.
Điều này cũng kéo theo nhiều hệ quả mà dù không trực tiếp là người trong cuộc cũng có thể phần nào cảm nhận được. Đây chính là câu chuyện bất động sản vẫn được các chuyên gia, báo chí và người dân bàn luận mỗi ngày.
Người “đẻ”…
Việt Nam là nước tốc độ tăng dân số khá nhanh trong khu vực. Trong thời gian 10 năm, từ 2010 đến 2020 đã tăng khoảng 10 triệu người – từ 87.967.651 người đến 97.338.579 người (Nguồn: https://danso.org/viet-nam/). Đến 2023 thì số dân đã vượt qua mức 100 triệu người.
Và vấn đề không thể không nhắc đến đó chính là người dân từ vùng quê vẫn đang đổ về thành phố lớn. Lý do thì chắc ai cũng có thể nhận thấy. Các cơ quan, công ty hàng đầu, trường học tốt, bệnh viện lớn, tiện ích hiện đại… đều tập trung ở thành phố. Mức sống và thu nhập của người dân ở phố cũng cao hơn ở quê.
Đây chính là lý do dẫn đến câu chuyện bất động sản nhiều người dân rời quê lên phố, sẵn sàng bỏ vùng quê yên bình chọn cái tấp nập xô bồ. Mục đích chính cũng chỉ vì muốn cuộc sống tốt và ổn định hơn, có điều kiện tốt hơn cho con cái học hành, có thu nhập cao hơn, được tiếp xúc với nhiều tiện ích hơn…
Ai cũng muốn có thu nhập tốt hơn. Ai cũng muốn chọn trường tốt nhất cho con. Ai cũng muốn chọn bệnh viện tốt nhất khi đau ốm… Hơn thế nữa, ở quê thì nghề chủ đạo vẫn là nghề nông. Trong khi đó hiện nay, nhiều người không chịu được chân lấm tay bùn vất vả, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Đó chính là lý do thành phố ngày càng đông đúc.
Nhưng đất không “đẻ”
Những thế hệ này đến thế hệ khác bám trụ ở mảnh đất “vàng” khiến dân cư ngày càng tăng, mật độ dân số thành thị và nông thôn có sự chênh lệch rõ rệt. Càng ngày quỹ đất càng eo hẹp khiến nhu cầu về chỗ ở càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Mật độ dân số của Việt Nam tính đến ngày 23/03/2023 là 320 người/km2 (số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc). Khi so sánh với gần 15 năm trước đây, tức 2009 thì đã tăng khoảng 40 người/km2 (năm 2009 mật độ dân số là 290 người/km2). Dân số tăng nhưng đất không “đẻ” thêm chính là mâu thuẫn gây ra những xung đột ảnh hưởng đến cuộc sống.
Dân cư tăng kéo theo nhu cầu và nhà ở cũng tăng theo. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố khách quan tất yếu. Còn có những vấn đề chủ quan cực quan trọng khác không thể không nhắc đến.
Đầu tiên chính là do bản chất thích “tích lũy” của người Việt. “Mua đất để dành” đã trở thành thói quen tích trữ quá mức. Họ không đầu tư khiến tiền chết, nền kinh tế cũng trở nên kém lưu thông. Bên cạnh đó, việc dồn tiền tích nhiều đất cũng khiến những người khác mất đi cơ hội có chỗ ở phù hợp.
Một vấn đề khác đó chính là việc quy hoạch chưa thực sự hiệu quả dẫn đến việc mọc lên những cơ sở sản xuất không phù hợp. Quy hoạch thiếu đồng bộ dẫn đến việc các địa phương vì lợi ích cục bộ mà không quan tâm đến tính kết nối vùng. Câu chuyện bất động sản càng căng thẳng khi quỹ đất ngày càng giảm, nhu cầu nhà ở của người dân càng cấp thiết.
“Đất chật người đông” và những hệ quả nhãn tiền
Chị Ngọc Linh (27 tuổi – Bắc Ninh) rời quê lên Hà Nội học đại học, sau đó lập gia đình cách đây 5 năm. Tổng thu nhập hai vợ chồng thời điểm đó là 25 triệu. Sau khi trừ các loại chi phí và tiền thuê nhà thì còn tiết kiệm được 7 triệu đồng.
Căn nhà mơ ước của hai vợ chồng thời điểm đó có giá 2 tỷ. Gắng gượng vay mượn, hai vợ chồng chị Linh vẫn thiếu 1 tỷ. Vậy nên cả hai quyết định vừa làm vừa tích góp dần để mua.
Thế nhưng, trời chẳng chiều lòng người. Hiện tại, tổng thu nhập của anh chị lên gấp đôi, tức khoảng 55 triệu. Thế nhưng chi phí sinh hoạt, thuê nhà, học hành cho con cũng ngốn hơn 1 nửa. Số tiền tiết kiệm mỗi tháng cũng chỉ còn khoảng 20 triệu đồng.
Nhiều năm tích góp thêm sự giúp đỡ của người thân, anh chị cũng có được 2 tỷ mua nhà. Thế nhưng, căn nhà mơ ước hiện tại giá đã lên hơn 7 tỷ – gấp gần 4 lần 5 năm trước. Và khoảng cách thiếu 1 tỷ cách đây 5 năm giờ kéo giãn thêm – thiếu hơn 5 tỷ. Không biết bao giờ mới có thể mua được chỗ an cư để an tâm lập nghiệp.
Đây không phải là câu chuyện bất động sản hiếm gặp. Nhiều người trẻ hiện nay lâm vào tình trạng như vợ chồng chị Ngọc Linh. Càng đợi giá càng tăng, mà mua thì chưa đủ tiền. Không những thế, đất chật người đông còn kéo theo suy giảm chất lượng cuộc sống, môi trường ô nhiễm, áp lực cho cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích.
Hệ quả nhãn tiền của việc dân số các thành phố lớn ngày càng tăng có thể thấy ngay trước mắt. Đó là giờ tan tầm tắc đường hàng giờ đồng hồ cứng ngắc, là hệ thống trường học công quá tải, là việc thiếu nước thiếu điện tại nhiều chung cư, tòa nhà giờ cao điểm,…
Sự cạnh tranh về không gian sống khiến giá nhà tăng cao khiến những gia đình như chị Ngọc Linh chật vật để sở hữu căn nhà của mình. Sau nhiều năm cố gắng, họ vẫn phải sống trong căn nhà thuê chật hẹp, con cái không có điều kiện học hành tốt nhất, thiếu tiện ích và cơ sở vật chất.
Còn rất nhiều điều khó nói sau câu chuyện bất động sản này mà chỉ những người trong cuộc mới có thể cảm nhận được. Tình trạng này chắc chắn sẽ không thể chấm dứt nếu người dân vẫn đổ xô ra thành phố và cơ quan chức năng không có thêm giải pháp khả quan để giải quyết vấn đề của dân.
> Xem thêm:
- Tìm kiếm giải pháp cho văn phòng toàn diện cùng Times Space
- Làm sao để cân bằng giữa cuộc sống và làm việc
- Tổng hợp các dự án bất động sản hot tại Việt Nam