Mục lục bài viết
Trong thời đại công nghệ 4.0 vô cùng hiện đại, nhiều hình thức làm việc, các ngành nghề mới ra đời, kéo theo đó là sự bùng nổ của các công việc freelance mới lạ và người thực hiện các công việc này được gọi là freelancer. Vậy freelancer là gì? Trở thành freelancer liệu có phải là sự lựa chọn đúng đắn? Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả có thêm thông tin và kiến thức hữu ích về thuật ngữ “freelancer”. Hãy cùng đón đọc nhé!
1. Freelancer là gì?
Freelancer là thuật ngữ chỉ những người làm các công việc tự do (freelance). Hiểu đơn giản, freelancer là những người làm việc không bị giới hạn bởi thời gian, địa điểm làm việc, hay các quy định kèm theo công việc.
Để trở thành freelancer, những thứ tối thiểu bạn cần có là: một chiếc máy tính/laptop, một chiếc điện thoại và mạng Internet ổn định.
Các freelancers được tự do lựa chọn công việc mình sẽ làm hoặc không làm; họ tự quản lý chính bản thân mình và sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ công ty hay tổ chức, đơn vị cung cấp việc làm nào.
2. Ưu điểm và nhược điểm khi trở thành freelancer
2.1. Lợi ích khi trở thành freelancer
Sự bùng nổ của mạng Internet trên toàn cầu trong suốt hơn thập kỷ vừa qua, cùng sự xuất hiện của làn sóng Covid khiến cho công việc freelance trở nên hấp dẫn hơn và thu hút đông đảo người quan tâm. Số lượng freelancers trên thế giới tăng nhanh chóng mặt chỉ trong vòng vài năm gần đây. Freelancer trở thành công việc thu hút của nhiều bạn trẻ bởi những ưu điểm nổi bật sau:
- Tự do quản lý thời gian: Freelancer không phải dậy từ 7 giờ sáng để đi làm và tan tầm lúc 6 giờ tối khi đường tắc, họ không bắt buộc phải đi làm vào các ngày trong tuần nếu họ không muốn. Vào các giờ làm việc hành chính, freelancer có thể lang thang đường phố, quán xá, đi chơi và tận hưởng cuộc sống theo cách họ muốn. Freelancer có thể lựa chọn bất kỳ thời điểm nào trong ngày để làm việc kể cả khi sáng sớm hay đêm muộn, miễn là phù hợp với khả năng sáng tạo của họ.
- Tự do lựa chọn địa điểm làm việc: Một người làm công việc tự do có thể lựa chọn đa dạng môi trường làm việc từ ở nhà cho tới quán ăn hay quán cafe, thư viện hay công viên thay vì cố định tại một chỗ trong một thời gian dài như những ngành nghề, công việc khác. Điều này sẽ giúp các freelancers không bị nhàm chán khi làm việc, từ đó cho ra nhiều ý tưởng để hoàn thành công việc tốt hơn.
- Không bị ràng buộc bởi các quy định, luật lệ: Một freelancer sẽ không bị bắt phải tuân theo các quy định thường thấy ở các công ty, cơ quan như mặc đồng phục khi đi làm, không ăn vặt trong giờ, không làm việc riêng,… hay cũng không bị ảnh hưởng bởi các quyết định kỷ luật như trừ lương khi đi muộn, phải dọn vệ sinh văn phòng khi nộp chậm deadlines.
- Được thử sức ở nhiều lĩnh vực, cải thiện bản thân: Trở thành freelancer, bạn sẽ có cơ hội được làm việc với nhiều khách hàng ở đa dạng các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, kỹ thuật – sản xuất, tài chính – đầu tư… Điều này sẽ giúp cho bạn có thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng ở nhiều ngành nghề, từ đó giúp hoàn thiện và nâng cao khả năng chuyên môn của bản thân.
2.2. Khó khăn khi trở thành freelancer
Tuy sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật nhưng trở thành người làm việc tự do cũng là con dao hai lưỡi, mang tới những khó khăn như sau:
- Yêu cầu tính kỷ luật và tự giác cao: Khi được tự do lựa chọn thời gian và địa điểm làm việc, không có ai nhắc nhở hay quản lý, nếu không tự kiểm soát bản thân, freelancer sẽ rất dễ sa đà vào việc thư giãn, giải trí thay vì làm việc. Điều này sẽ khiến cho chất lượng công việc bị giảm và ảnh hưởng đến thu nhập của freelancer.
- Thu nhập không ổn định: Phần lớn các công việc mà freelancer làm đều là các dự án có thời gian kết thúc như tổ chức một sự kiện, lên kịch bản cho một video quảng cáo, lên campaign cho một chiến dịch theo mùa… Điều này đồng nghĩa với việc, khi kết thúc dự án, hoàn thành xong sản phẩm thì freelancer sẽ phải tiếp tục tìm khách hàng, dự án mới để duy trì được nguồn thu nhập hàng tháng. Nếu freelancer trong một thời gian dài không tìm được dự án hay khách hàng mới để hợp tác thì chắc chắn kinh tế sẽ bị sụt giảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Hạn chế về chế độ phúc lợi: Các nhân viên chính thức thuộc công ty hay tổ chức đều sẽ được đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,… và được hưởng chế độ phúc lợi theo quy định của Pháp luật. Tuy nhiên, do freelancer không phải là thành viên của bất kì doanh nghiệp nào nên họ sẽ không được hưởng những đãi ngộ tốt từ công ty. Nếu muốn, họ sẽ phải tự tham gia bảo hiểm tự nguyện với mức chi phí đóng cao hơn so với nhân viên chính thức.
Ngoài ra, một vài nhược điểm khác của nghề freelancer có thể kể đến là: công việc có mức cạnh tranh cao, có thể bị “bùng tiền” dự án…
3. Các công việc freelance phổ biến tại Việt Nam
Tuy có một vài bất lợi nho nhỏ nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà các freelancer được hưởng khi quyết định làm việc tự do. Tại Việt Nam, một số công việc freelancer phổ biến là:
- Content Creator – Nhà sáng tạo nội dung
- Copywriter
- Biên kịch
- Dịch giả/Phiên dịch viên
- Nhà thiết kế
- Youtuber/Tiktoker/KOCs/KOLs
- Lập trình viên
…
Trở thành freelancer là một con dao hai lưỡi, có thể đem đến sự thoải mái khi làm việc cũng như thu nhập cao khi làm việc nhưng cũng có thể khiến chất lượng cuộc sống suy giảm về sức khoẻ và tài chính nếu bạn không có tính kỷ luật cũng như sự trau dồi các kỹ năng chuyên môn cao. Hy vọng qua bài viết này, độc giả sẽ có cái nhìn bao quát hơn về freelancer để lựa chọn được con đường sự nghiệp phù hợp với bản thân.